Hướng dẫn cách gìn giữ giá trị của trang sức vàng
Trang sức bị đen? trang sức bị móp méo và trầy xước? trang sức bị vết ố? trang sức không còn sáng bóng?... tất cả sẽ được chúng tôi giải đáp qua bài tư vấn ngắn dưới đây.
1. Tại sao trang sức lại bị đen?
Nguyên nhân hàng đầu khiến cho món trang sức bị đen đó chính là mồ hôi. Trong tuyến mồ hôi của con người chứa một lượng lưu huỳnh, mà trong dân gian thường gọi là mồ hôi muối và khi bạn để hợp kim (có chứa bạc) kết hợp với lưu huỳnh sẽ tạo thành muối kết tủa đen không tan bám trên bề mặt kim loại, từ đó hợp kim vàng bị oxy hóa làm trang sức bị đen. Còn những người có tuyến mồ hôi có khả năng khử muối bạc – lưu huỳnh thì cứ thoải mái vì trang sức của bạn lúc nào cũng sáng bóng.

2. Tại sao trang sức lại bị móp và trầy xước?
Những trang sức, đặc biệt là vàng ta có hàm lượng vàng nguyên chất cao nên thường có đặc tính rất mềm và dẻo. Vì thế khi bạn làm việc nhà, chơi thể thao hay làm các việc chân tay khác để tránh làm xước hoặc móp chúng bạn không nên đeo đồ trang sức suốt 24 giờ mỗi ngày hay trong suốt cả tuần làm việc.
3. Trang sức xuất hiện vết ố rất khó rửa?
Các loại xà bông, dung dịch, phấn trang điểm, nước hoa, keo xịt...đều có khả năng tạo nên các vết ố rất khó rửa trên bề mặt đồ trang sức. Khi sử dụng mỹ phẩm, vì các hóa chất có trong các loại mỹ phẩm có thể ảnh hưởng xấu tới vẻ đẹp của đồ trang sức. Tốt nhất, nếu lỡ để dính những chất này lên đồ trang sức rồi, bạn phải lau rửa ngay trước khi chúng có khả năng gây phản ứng nhé!
4. Qua thời gian sử dụng trang sức bị mòn và không còn sáng bóng như lúc mới mua?
Các dung dịch có chứa muối, chất tẩy rửa, đặc biệt chất tẩy rửa có chứa chlorine chính là kẻ thù của trang sức. Những chất này có khả năng ăn mòn các đường mài hoặc làm giảm độ bóng của món trang sức, đặc biệt là ở nhiệt độ cao. Vì vậy tuyệt đối không nên đeo đồ trang sức khi bạn bơi ở bể bơi có chứa chlorine hay khi giặt tẩy quần áo và cọ rửa đồ đạc trong nhà. Và nên nhớ rằng trang sức có thể bị hư hại rất khó xử lí khi chúng tiếp xúc với các chất tẩy, cồn, axeton.

5. Nhẫn vàng đột nhiên biến thành bạc?
Đừng hoang mang và quá lo lắng khi bạn gặp phải trường hợp này nhé! Thuỷ ngân nguyên chất thường được tồn tại trong những chiếc nhiệt kế thủy ngân hay dùng tại nhà hoặc thủy ngân được sử dụng để: làm vật liệu chế tạo pin, vi mạch điện tử, trong một số chế phẩm thuốc uống, thuốc mỡ, thuốc xịt côn trùng và một số loại thuốc có nguồn gốc thảo mộc. Nếu vô tình bạn để vàng 24k hoặc nhẫn trơn tiếp xúc với thuỷ ngân khiến chúng sẽ đổi qua màu bạc, nhìn như bạc. Tuy nhiên, sau khi xử lý qua lửa thuỷ ngân bốc hơi sẽ trả lại màu vàng nguyên thuỷ của món đồ trang sức.
(KT)