Bản tin thị trường vàng sáng 13/4: Giá vàng tăng khá cao
Giá vàng quốc tế tăng mạnh. Trong khi đó giá vàng trong nước cũng tăng khá cao kể từ chiều qua và tiếp tục tăng sang phiên sáng nay. Vàng SJC tiệm cận ngưỡng 70 triêu mỗi lượng.
Thông tin thị trường vàng trong nước
Giá vàng trong nước đồng loạt tăng. Cụ thể:
Tại thị trường TP.HCM: Giá vàng SJC được Công ty VBĐQ Sài Gòn giao dịch tại: 69,10 – 69,70 triệu/lượng (mua vào - bán ra), tăng 250.000đ/lượng chiều mua vào và 200.000đ/lượng chiều bán ra so với giá chốt phiên hôm qua.
Tại Hà Nội: Tập đoàn Doji công bố giá vàng SJC ở Hà Nội theo chiều mua - bán ra là 69,00– 69,60 triệu/lượng (mua vào – bán ra), tăng 200.000đ/lượng chiều mua vào và tăng 100.000đ/lượng chiều bán ra so với giá chốt phiên liền trước.
Tại Cao Bằng: Giá vàng nhẫn tròn ép vỉ Kim Tín cùng thời điểm trên giao dịch tại: 55,12– 56,46 triệu/lượng (mua vào – bán ra), tăng 400.000đ/lượng cả chiều mua vào và bán ra so với giá đóng cửa phiên hôm qua.

Phiên hôm qua giá vàng biến động tăng vào buổi chiều và tiếp tục lan đà tăng khá mạnh sang đầu phiên sáng nay. Giá vàng SJC đã tiệm cận ngưỡng 70 triệu mỗi lượng. Thị trường khá sôi động. Nhu cầu mua và bán xu hướng tăng lên.
Tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Kim Tín, nhu cầu khách giao dịch vẫn tương đối lớn và ổn định. Dịp này khách thường xuyên giao dịch vàng tích trữ do nhu cầu đầu tư tăng cao.
Thông tin thị trường vàng thế giới
Giá vàng trên thị trường quốc tế tăng dựng đứng sau khi Mỹ công bố lạm phát trong tháng 3 tăng lên mức cao kỷ lục trong 40 năm: 8,5% do giá gas tăng mạnh, ảnh hưởng tới túi tiền của người tiêu dùng.
Đêm 12/4 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.964 USD/ounce. Vàng giao tháng 6 trên sàn Comex New York ở mức 1.966 USD/ounce.
Hiện tại vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 55,0 triệu đồng/lượng.
Đây là lần đầu tiên trong hơn 4 thập kỷ, lạm phát của Mỹ vượt ngưỡng 8%. Lạm phát của Mỹ không có dấu hiệu giảm bớt. Đây là lý do khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể nhanh chóng đảo ngược chính sách tiền tệ nới lỏng.
Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 3 tăng 1,2% do chi phí xăng dầu, thực phẩm và nhà ở tăng cao. Đây là mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ cơn bão Katrina năm 2005.
Lạm phát cao đã đưa ra lời cảnh bảo tới người Mỹ và gây sức nóng chính trị lên chính quyền Biden. Các cuộc khảo sát cho thấy lạm phát là nỗi lo lớn nhất của công chúng và nó làm tổn thương các đảng viên Dân chủ tại các cuộc thăm dò trước cuộc bầu cử quốc hội quan trọng vào mùa thu.
Theo các nhà kinh tế, đà tăng lạm phát có thể bắt đầu giảm xuống nếu giá dầu ổn định và tình trạng thiếu cung cuối cùng bắt đầu giảm bớt.
Tuy nhiên, có thể mất một vài năm hoặc thậm chí lâu hơn để lạm phát có thể giảm xuống dưới mức trước khủng hoảng, dưới 2%. Một số người thậm chí còn lo lắng rằng lạm phát sẽ còn cao tiếp tục gia tăng.
Vàng được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong bối cảnh lạm phát tăng cao và có thể gây ra suy thoái khi giá cả nhiều mặt hàng đã vượt tầm kiểm soát.
Theo Ngân hàng Mỹ (BofA), cú sốc lạm phát đang trở nên tồi tệ hơn khi các đợt tăng lãi suất bắt đầu và cú sốc suy thoái đang ập đến.
Giới đầu tư cho rằng, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang ở vào thế tiến thoái lưỡng nan vì lãi suất cao sẽ kìm hãm nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Và do vậy, vàng có thể sẽ trở thành kênh trú ẩn an toàn trong thời gian tới.
Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ vừa đưa ra dự báo giá vàng sẽ vượt quá ngưỡng 2.500 USD/ounce trong năm nay.
(Ban Chuyên gia Kinh tế và Thị trường Tập đoàn Kim Tín)