Bản tin thị trường vàng sáng 6/4: Vàng thế giới biến động mạnh, trong nước giảm nhẹ
Giá vàng trong nước giảm nhẹ từ vàng chục ngàn đến hàng trăm ngàn đồng mỗi lượng. Trong khi vàng thế giới có phiên biến động mạnh, tăng vọt rồi lại giảm sâu.
Thông tin thị trường vàng trong nước
Giá vàng trong nước giảm nhẹ. Cụ thể:
Tại thị trường TP.HCM: Giá vàng SJC được Công ty VBĐQ Sài Gòn giao dịch tại: 68,10 – 68,75 triệu/lượng (mua vào - bán ra), giảm 100.000đ/lượng cả chiều mua vào và bán ra so với giá chốt phiên hôm qua.
Tại Hà Nội: Tập đoàn Doji công bố giá vàng SJC ở Hà Nội theo chiều mua - bán ra là 68,00– 68,70 triệu/lượng (mua vào – bán ra), giảm 200.000đ/lượng chiều mua vào và giảm 150.000đ/lượng chiều bán ra so với giá chốt phiên liền trước.
Tại Cao Bằng: Giá vàng nhẫn tròn ép vỉ Kim Tín cùng thời điểm trên giao dịch tại: 54,02– 55,38 triệu/lượng (mua vào – bán ra), ổn định cả chiều mua vào và bán ra so với giá đóng cửa phiên 5/4.

Thị trường vàng trong nước vẫn khá nhạy cảm. Lượng khách giao dịch trên thị trường vẫn chủ yếu là khách đầu tư vàng 999,9.
Tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Kim Tín, lượng khách giao dịch thời gian gần đây ghi nhận 50% giao dịch vàng 999,9 đầu tư, tích trữ, 50% giao dịch vàng trang sức phục vụ nhu cầu làm đẹp.
Thông tin thị trường vàng thế giới
Giá vàng trên thị trường quốc tế tăng vọt rồi giảm nhanh theo những diễn biến khó lường từ cuộc chiến Nga-Ukraine và biến động đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ.
Đêm 5/4 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.932 USD/ounce. Vàng giao tháng 6 trên sàn Comex New York ở mức 1.934 USD/ounce.
Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 54,1 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí.
Vàng tăng khi mặt hàng có quan hệ mật thiệt với vàng là dầu tăng trở lại. Giới đầu tư lo ngại EU bổ sung đòn trừng phạt Nga, nhắm vào lĩnh vực năng lượng. Nguồn cung dầu khí toàn cầu sẽ bị thắt chặt hơn nữa và qua đó đẩy giá lên cao.
Căng thẳng EU-Nga lên cao sau khi Ukraine cáo buộc Nga sát hại gần 300 dân thường vô tội ở Bucha. Diễn biến mới có thể khiến các đàm phán hòa bình trở nên khó khăn hơn. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel vừa ra tín hiệu ủng hộ các biện pháp trừng phạt bổ sung của EU.
Trong 24h qua, nhiều nước đã có các đòn ngoại giao lên Nga. Ý, Đan Mạch và Thụy Điển vừa cho biết sẽ trục xuất tổng cộng 48 nhà ngoại giao Nga. Đây là các nước tiếp theo trong Liên minh châu Âu (EU) dùng tới biện pháp này trong cuộc khủng hoảng ngoại giao sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Trên thực tế, giá dầu đã giảm đáng kể từ mức đỉnh hồi tháng trước. Tuy nhiên, mức giá trên 100 USD/ounce vẫn là rất cao và nó tác động tích cực tới giá vàng.
Đà tăng của vàng bị chặn lại khi mà Tổng thống Ukraine nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục đàm phán với Nga.
Mặc dù vàng chịu áp lực chốt lời khá mạnh nhưng mặt hàng này vẫn được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng đi lên.
Robert Minter, Giám đốc Chiến lược đầu tư ETF trên Kitco cho biết, ngay cả khi xung đột giữa Nga và Ukraine chấm dứt, chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn khó được như trước. Giá hàng hóa vẫn sẽ cao và gây áp lực lạm phát lên các nền kinh tế.
Trong bối cảnh lạm phát cao, vàng là kênh đầu tư được lựa chọn.
(Ban Chuyên gia Kinh tế và Thị trường Tập đoàn Kim Tín)