Thông tin thị trường vàng sáng 10.3: Giá vàng lại rớt mốc 48 triệu/lượng
Sau phiên tăng mạnh vượt ngưỡng 48 triệu/lượng hôm qua, sáng nay giá vàng trong nước lại rớt khỏi mốc 48 triệu/lượng. Tại thời điểm 8h35 phút, giá vàng SJC giao dịch tại: 47,05– 47,650 triệu/lượng (mua vào- bán ra). Giá vàng nhẫn tròn ép vỉ 999.9 của Tập đoàn Kim Tín cùng thời điểm trên giao dịch tại: 46,08 – 46,28 triệu/lượng (Mua vào – bán ra). Giá vàng thế giới tụt giảm chớp nhoáng do áp lực chốt lời tăng mạnh sau khi lên đỉnh 7 năm trong phiên đầu tuần.
Thông tin thị trường vàng trong nước
Giá vàng trong nước quay đầu giảm. Cụ thể:
Tại thị trường TP.HCM: Giá vàng SJC được Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết tại: 47,05- 47,65 triệu/lượng (mua vào- bán ra), giảm 100.000đ/lượng chiều mua vào và 250.000đ/lượng chiều bán ra so với giá chốt phiên liền trước.
Tại Hà Nội: Tập đoàn Doji công bố giá vàng SJC ở Hà Nội theo chiều mua - bán là 47,15 – 47,80 triệu/lượng (Mua vào – Bán ra), tăng 50.000đ/lượng chiều mua vào và giảm 300.000đ/lượng chiều bán ra so với giá chốt phiên 9.3.
Tại Cao Bằng: Giá vàng nhẫn tròn ép vỉ Kim Tín cùng thời điểm giao dịch tại: 46,08 – 46,28 triệu/lượng (Mua vào – bán ra), giảm 140.000đ/lượng chiều mua vào và giảm 1.180.000đ/lượng chiều bán ra so giá đóng cửa phiên hôm qua.

Phiên giao dịch hôm qua giá vàng tăng mạnh trên phạm vi toàn quốc do ảnh hưởng từ thị trường vàng thế giới. Hoạt động mua bán trên thị trường nghiêng về lực bán. Tuy vậy vẫn có nhiều khách tiếp tục mua vào do còn mong đợi vàng lên.
Tại Tập đoàn Vàng Bạc Đá quý Kim Tín, phiên giao dịch hôm qua, giá vàng được điều chỉnh 3 lần, trồi sụt theo thị trường. Khách giao dịch ở trạng thái bình ổn.
Thị trường thế giới
Giá vàng thế giới tụt giảm chớp nhoáng do áp lực chốt lời tăng mạnh sau khi lên đỉnh 7 năm trong phiên đầu tuần. Tuy nhiên, dịch Covid-19 và cuộc chiến dầu khí được xem là động lực lớn sẽ kéo vàng đi lên.
Đêm 9/3 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.666 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 năm 2020 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.672 USD/ounce.
Trước đó, vàng bất ngờ vọt lên trên 1.700 USD - mức cao nhất kể từ cuối năm 2012, do giới đầu tư tìm kênh trú bão ở vàng trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 lan rộng trên thế giới, giá dầu tụt giảm 30% và lo ngại kinh tế thế giới suy thoái.
Thị trường chứng khoán toàn thế giới lao dốc trong phiên đầu tuần với mức giảm phổ biến từ 5-7%. Thị trường tài chính chao đảo với lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm xuống mức thấp chưa từng có: dưới 0,5%. Dự trữ tại các quỹ ETF vàng cũng lên mức cao kỷ lục.
Tuy nhiên, vàng sau đó đã quay đầu giảm khá mạnh do giới đầu tư chốt lời khi vàng bất ngờ lên ngưỡng 1.700 USD/ounce.
Dù vậy, nhiều dự báo cho rằng, vàng sẽ nhanh chóng quay đầu tăng trở lại trong bối cảnh thế giới có rất nhiều bất ổn, thị trường dầu mỏ hỗn loạn sau khi Saudi Arabia hạ giá bán chính thức do bất đồng với Nga trong vấn đề sản lượng. Vàng dược dự báo có thể lên mốc 1.800 USD/ounce.
Vàng còn được hưởng lợi từ một đồng USD đang giảm giá rất mạnh. Hiện tại thị trường đang kỳ vọng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục hạ lãi suất thêm 50-75 điểm cơ bản trong cuộc họp hôm 18/3 tới sau khi đã bất ngờ hạ lãi suất 50 điểm phần trăm trong tuần trước. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhiều khả năng cũng giảm lãi suất.
(Ban Chuyên gia Kinh tế và Thị trường Tập đoàn Kim Tín)